Ngày cập nhất mới nhất : 07 / 07 / 2023
Hikikomori là một hiện tượng xảy ra phổ biến ở Nhật Bản khiến những người trẻ tuổi chủ động rút lui khỏi xã hội và cô lập bản thân. Vậy thực sự hội chứng Hikikomori là gì và có biểu hiện như thế nào? Đây có phải là một căn bệnh hay không? Hãy cùng Nam Chau IMS tìm hiểu vấn đề này để hiểu rõ hơn khi đặt chân sang Nhật nhé.
1. Hội chứng Hikikomori là gì?
Hikikomori 引?き篭もり là tên gọi của hiện tượng những người không tham gia vào bất cứ hoạt động nào của xã hội, không có mối quan hệ nào ngoài gia đình và không tiếp xúc với bất kì ai trong thời gian từ 6 tháng trở lên. Ở giai đoạn nặng, những người mắc phải hội chứng này còn không giao tiếp với gia đình. Những người đầu tiên được ghi nhận mắc phải hội chứng từ những năm đầu thập kỉ 80. Hiện nay, có đến 1% dân số Nhật Bản mắc hội chứng này.
Theo thống kê cho thấy những người mắc bệnh thường là người trẻ tuổi và dao động từ 13-30 tuổi. Đặc điểm chung của nhóm người này là tự nhốt mình trong phòng, không có bạn bè và lười giao tiếp. Thói quen hàng ngày của họ là ngủ, xem tivi, đọc truyện tranh và thức đêm. Khi số lượng người mắc càng đông thì càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, kinh tế và khả năng lao động cũng như sự phát triển chung của đất nước.
2. Biểu hiện của hội chứng Hikikomori
Có rất nhiều dấu hiệu thể hiện đặc trưng của hội chứng này. Cụ thể như:
Thứ nhất, những người bị bệnh vào giai đoạn đầu đều tự cách ly bản thân với những người xung quanh. Sau đó, họ sẽ tìm cách thu hút những người trong gia đình rồi cuối cùng là chấm dứt hoàn toàn quan hệ với những người xung quanh, kể cả người thân.
Thứ hai, căn bệnh này chủ yếu xuất hiện ở nam giới và bắt đầu từ lứa tuổi dậy thì. Đây là lứa tuổi đã có ý thức trách nhiệm của bản thân đối với xã hội và gia đình nên một số người mắc bệnh là do áp lực kinh tế hoặc sự kì vọng quá lớn từ cha mẹ.
Thứ ba, nếu nhìn từ bên ngoài, khá khó để nhận diện căn bệnh này trước khi tiến triển bởi những người mắc đều có vẻ ngoài khỏe mạnh, thông minh, học giỏi và có tài năng. Chỉ khi họ bỏ làm, bỏ học và giam mình trong phòng thì mới phát hiện ra và khi đó bệnh đã tiến triển khá nặng.
Thứ 4, hội chứng này hoàn toàn có thể chữa khỏi, bệnh nhân có khả năng khôi phục và tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, họ cần nhận được sự quan tâm của gia đình và bạn bè đồng thời điều trị càng sớm càng tốt.
3. Nguyên nhân của hội chứng Hikikomori
Tìm hiểu một số nguyên nhân dẫn đến việc bị mắc hội chứng Hikikomori:
3.1. Sự cạnh tranh và tuyệt vọng về bản thân
Trong nhiều cuộc khảo sát uy tín trên thế giới thì thanh niên Nhật Bản luôn giữ vị trí thấp nhất về mức độ hài lòng đối với bản thân mình. Có đến hơn 90% số người được thống kê cho thấy bản thân họ hoàn toàn không đủ khả năng thỏa mãn yêu cầu kinh tế và dễ có tâm lý chán nản, tuyệt vọng. Ngoài ra, đời sống gia đình thiếu sự quan tâm, cha mẹ quá bận rộn khiến các em không thể tự giải quyết những vấn đề tâm lý và dễ rơi vào trầm cảm.
3.2. Hệ thống giáo dục quá nặng nề
Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục tương đối nặng. Các phụ huynh đa phần đều có sự kì vọng to lớn vào con cái và hi vọng con mình trở thành thiên tài. Chính vì sức ép này mà trẻ em Nhật học 8h/ngày và 6 ngày/tuần đồng thời phải trải qua những kì thi vô cùng khốc liệt. Rất nhiều em nảy sinh ra những tiêu cực như hăm dọa, bắt nạt, hành hung trong lớp học hoặc dẫn tới trầm cảm, tự kỉ…
3.3. Ảnh hưởng của văn hóa, xã hội
Văn hóa Nhật Bản thường coi trọng sự tĩnh lặng, cuộc sống cô đơn và ẩn dật. Ngoài ra, trong quan niệm của người Nhật thì quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn khá nặng nề. Người đàn ông là trụ cột kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt trong xã hội khiến tâm lý của họ bị đè nặng.
4. Hikikomori có phải là căn bệnh không?
Nhiều người đã không hiểu đúng khi nói hikikomori là một căn bệnh. Đa phần các thanh niên với hội chứng này đều mắc các chứng bệnh tâm lý liên quan hoặc tồn tại các tổn thương, sang chấn tâm lý. Với nhiều người, họ chấp nhận điều đó như một lối sống bình thường vì đơn giản họ đã quá chán xã hội và việc giao tiếp bên ngoài.
Theo bác sĩ tâm thần kiêm Giáo sư Đại học Tsukuba – Saito Tamak cho biết: “Hikikomori không phải là tội phạm bạo lực hay bệnh nhân rối loạn tâm thần”. Họ không mắc bệnh hay có xu hướng thích làm điều ác, mà chỉ đơn giản là những con người yếu đuối về tâm hồn, không dám đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Họ cần phải được gia đình và mọi người trợ giúp để lấy lại lòng tự tin, sau đó dần tái hòa nhập xã hội. Hiện tổng cộng số tội phạm bạo lực là người mắc chứng hikikomori còn chưa tới 10 trường hợp. Nếu lập bảng so sánh, đây chính là nhóm người có tỉ lệ phạm tội thấp nhất.
Như vậy, bài viết đã giải đáp thắc mắc những vấn đề xung quanh Hikikomori và những hệ lụy của nó ảnh hưởng đến con người cũng như xã hội. Hy vọng những thông tin này sẽ cho bạn thêm hiểu biết về căn bệnh tâm lý khá nguy hiểm này và đề phòng mắc phải. Chúc bạn thành công! Để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống nơi đây, đừng quên tìm hiểu những thông tin về đất nước Nhật Bản đã được Nam Chau IMS tổng hợp đầy đủ nhé.